10 điều luật Thiếu Nhi Thánh Thể - Nguồn gốc phong trào thiếu nhi Thánh Thể

10 điều luật Thiếu Nhi Thánh Thể, Lịch sử và quá trình phát triển của phong trào thiếu nhi Thánh Thể tại Việt Nam.

10 điều luật Thiếu Nhi Thánh Thể và ý lực sống

1. Thiếu nhi Dâng Ngày mỗi sáng,
Làm cho đời sống hóa nên lời cầu.

2. Thiếu nhi tôn sùng Thánh Thể,
Siêng năng chịu lễ viếng Chúa hằng ngày

3. Thiếu nhi Hy Sinh chịu khó,
Luôn nhìn thánh giá cực khổ vẫn vui.

4. Thiếu nhi nhờ mẹ cố gắng,
Quyết làm gương sáng xứng danh Tông Đồ

5. Thiếu nhi Vâng Lời cha mẹ,
Và hết những vị chỉ huy của mình.

6. Thiếu nhi Nết Na đằm thắm,
Giữ mình trong trắng trong cách nói làm.

7. Thiếu nhi tận tình Bác Ái,
Tim luôn quảng đại mới mong giúp người.

8. Thiếu nhi giữ lòng Thành Thực
Nói làm đúng mực không dối không ngoa.

9. Thiếu nhi Chu Toàn Bổn Phận,
Việc làm đứng đắn không bỏ nửa chừng.

10. Thiếu nhi Thực Hiện Hoa Thiêng,
Chân thành với Chúa cộng biên mỗi tuần.

Ý LỰC SỐNG
– Bốn điều luật đầu : Chính là 4 ý lực của TNTT gồm: Cầu nguyện – Tôn sùng Thánh Thể – Hy sinh và làm Tông đồ. Đây là 4 tinh thần truyền thống có từ nguồn gốc của Phong Trào Thiếu Nhi Thánh Thể Việt Nam theo dòng thời gian:

+ Ý lực sống HY SINH là dựa theo tinh thần Đạo Binh Thánh Giá (1865) hiến thân bảo vệ Hội Thánh.
Người Huynh trưởng phải tự làm gương để các em trong và ngoài đoàn noi theo. Các anh chị phải có đức tính hy sinh như viên đá dễ vỡ, va chạm nhau trở nên những viên đá tròn đẹp.

Hy sinh trong mọi lúc
Hy sinh không thoái lui khi gặp khó khăn vất vả.
Hy sinh trong vui tươi.

+ Ý lực sống CẦU NGUYỆN rút ra từ tinh thần Hội cầu nguyện dành cho tuổi trẻ (1917) do Cha Bessière dòng Tên thành lập tại Pháp.
Là Huynh trưởng , các anh chị phải tin tưởng vào Chúa, đó là nguồn sức mạnh của chúng ta, đó là người biết cầu nguyện. Khi chúng ta tin vào Chúa, chắc chắn chúng ta sẽ được sự giúp đỡ của Người, vì Người luôn đồng hành cùng ta, luôn bên cạnh chúng ta.

+ Ý lực sống RƯỚC LỄ (tôn sùng Thánh Thể) là theo tinh thần thông điệp Quam Singulari năm 1910 do ĐGH PIÔ X cổ võ các em siêng năng rước lễ và ban phép cho trẻ em được rước lễ sớm.
Phép Thánh Thể còn là nguồn mạch ân sủng dồi dào mà Thiên Chúa đã ban cho con người. Người Huynh trưởng năng tới lãnh nhận là tới chính nguồn, để múc lấy ơn Thánh.

+ Ý lực sống LÀM TÔNG ĐỒ là theo tinh thần sắc lệnh “Tông Đồ Giáo Dân, số 12” của Công Đồng Vatican 2 : “Giới trẻ phải làm tông đồ trước tiên và trực tiếp cho giới trẻ”.

 

NGUỒN GỐC VÀ SỰ PHÁT TRIỂN CỦA PHONG TRÀO THIẾU NHI THÁNH THỂ TẠI VIỆT NAM

I. NGUỒN GỐC
–    Năm 1865, từ Hội Tông Đồ Cầu Nguyện, hai linh mục Léonard Cross và Ramadiere đã quy tụ các em thiếu nhi thành một đoàn thể có tổ chức và mệnh danh là Đạo Quân riêng của Đức Giáo Hoàng với mục đích bảo vệ tâm hồn các em khỏi bị cuốn theo phong trào tục hoá đang lan tràn trong các trường học Công Giáo Pháp lúc bấy giờ.
–    Năm 1910, qua Sắc Lệnh Quam Singulari, Đức Giáo Hoàng PIO X mong muốn và cổ võ các thiếu nhi được rước lễ sớm, Phong Trào Nghĩa Binh Thánh Thể được chính thức thành lập tại Pháp năm 1917 do một cha Dòng Tên là Besssiere. Phong Trào trực thuộc Hội Tông Đồ Cầu Nguyện.

II.PHONG TRÀO THIẾU NHI THÁNH THỂ VIỆT NAM
–    Năm 1929, nhìn thấy kết quả giáo dục thiếu nhi do Phong trào Nghĩa Binh Thánh Thể tại Pháp, hai linh mục Dòng Xuân Bích đã đem Phong trào Nghĩa Binh Thánh Thể vào Việt Nam và thành lập đoàn đầu tiên tại Hà Nội và tiếp tục
–    Năm 1931 tại Huế, Sài Gòn
–    Năm 1932 tại Phát Diệm và Thanh Hoá
–    Năm 1935 tại Vinh và Vĩnh Long
–    Năm 1936 tại Quy Nhơn
–    Năm 1937 tại Thái Bình, Bùi Chu
–    Năm 1951 tại vùng Mỹ Tho, Xuân Lộc, Phú Cường
–    Năm 1954, do biến cố di cư, gần một triệu đồng bào Công Giáo từ các Giáo Phận Miền Bắc vào Nam, mang theo cả Phong trào Nghĩa Binh Thánh Thể, và tiếp tục phát triển mạnh tại đây.
–    Năm 1957, Hội đồng Giám Mục Việt Nam bổ nhiệm cha Micael Nguyễn Khắc Ngữ làm Tổng Tuyên Uý đầu tiên của Phong trào nghĩa Binh Thánh Thể.
–    Năm 1964, cha Micael làm Giám Mục Long Xuyên, cha Phaolô Nguyễn Văn Thảnh được bổ nhiệm làm Tổng Tuyên Uý.
–    Năm 1965, Bản Nội Quy Thống Nhất được ban hành, theo đó, Nghĩa Binh Thánh Thể được đổi thành PHONG TRÀO THIẾU NHI THÁNH THỂ VIỆT NAM.
–    Năm 1971, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam chấp thuận cho thi hành Nội Quy Mới thay thế bản Nội Quy thống nhất năm 1965, với danh xưng: Phong Trào Thiếu Nhi Thánh Thể Việt Nam (điều 1) và tổ chức theo cách tuyển lựa (điều 10).
–    Năm 1972, đánh dấu mức trưởng thành của Phong Trào, Đại Hội Thiếu Nhi Thánh Thể Toàn Quốc Về ĐấT Hứa I được tổ chức tại Bình Triệu và quy tụ được 2000 huynh trưởng từ các Giáo Phận trên toàn quốc.
–    Năm 1974, vì lý do sức khoẻ, cha Phaolô Nguyễn Văn Thảnh đã xin từ chức, Cha Giuse Vũ Đức Thông được bổ nhiệm thay thế.
–    Năm 1975, Phong Trào có khoảng 140.000 đoàn sinh; 3.800 huynh trưởng các cấp hoạt động trong 650 giáo xứ của 13 giáo phận trên toàn quốc. Trong đó, hai Giáo Phận đông đoàn sinh nhất là Xuân Lộc với 40.000 và Sài Gòn 38.000.
–    Sau biến cố 30/4/1975, Phong Trào Thiếu Nhi Thánh Thể tự giản lược các hoạt động bên ngoài, chỉ giữ lại sinh hoạt cốt lõi dưới hình thức các lớp Giáo Lý.
–    Năm 1990, sau 15 năm làm quen với xã hội mới, Thiếu Nhi Thánh Thể ở nhiều nơi mới bắt đầu nhen nhúm, hoạt động âm thầm nhưng không kém hiệu quả.

III.THIẾU NHI THÁNH THỂ VIỆT NAM TẠI GIÁO PHẬN TP HỒ CHÍ MINH
–    Năm 1997, tại Giáo Phận Tp Hồ Chí Minh, Đức Tổng Giám Mục Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn chính thức thành lập Ban Mục Vụ Thiếu Nhi, và bổ nhiệm cha Giuse Phạm Đức Tuấn làm Trưởng Ban cùng với 15 cha đặc trách của 15 hạt. Cũng từ thời điểm này PT TNTT bắt đầu hồi sinh. Có cuộc họp mặt các cựu Tuyên úy và cựu Huynh trưởng TNTT để chuẩn bị tái lập TNTT.
–    Năm 2002, khi PT TNTT chính thức ra mắt, cha Giuse Phạm Đức Tuấn được Đức Tổng Giám Mục bổ nhiệm làm Tuyên Uý Thiếu Nhi Thánh Thể Giáo Phận.
–    Năm 2002, cha Tuyên Uý Thiếu Nhi Thánh Thể Giáo Phận đã mời:
+   Cha Giuse Vũ Minh Danh làm phó Ban Mục vụ đặc trách Điều Hành Giáo lý.
+   Cha Félix Nguyễn Văn Thiện, nguyên là Tuyên Úy Liên đoàn Sàigòn, làm cố vấn.
+   Cha Phêrô Nguyễn Thành Tâm CSSR, cha Giuse Đỗ ngọc Bảo OP, cha Phêrô Nguyễn Văn Đệ SDB làm ban cố vấn.
+   Cha Vinh Sơn Trần Văn Hoà làm cố vấn, Đặc Trách Nghiên Huấn Liên Đoàn, kiêm đặc trách ngành Nghĩa sĩ.
+   Cha Giuse Phạm Hồng Thái, Phụ Tá đặc trách ngành Thiếu.
+   Cha Gioan Maria Vianey Chu Minh Tân, Phụ Tá đặc trách ngành Ấu.
–    Năm 2003 đến năm 2005, ngoài các khóa Huấn luyện Giáo lý viên các cấp, Liên đoàn TNTT Giáo Phận đã tổ chức các Sa Mạc Huấn Luyện Huynh Trưởng:
+   Cấp I: 10 sa mạc, với khoảng 1.200 Huynh Trưởng được cấp Chứng Chỉ Khả Năng
+   Cấp II: 3 sa mạc, với 230 Huynh Trưởng được cấp Chứng Chỉ Khả Năng.
+   Cấp III: 1 sa mạc, với 38 Huynh Trưởng được cấp Chứng Chỉ Khả Năng.
Trong đó có 22 Huynh Trưởng được chọn để huấn luyện trở thành các Huấn Luyện Viên của liên đoàn.
–    Ngày 28 tháng 11 năm 2004, các Giáo lý viên và Huynh Trưởng Thiếu Nhi Thánh Thể Liên Đoàn Andre Phú Yên, Giáo Phận Thành Phố Hồ chí Minh đã Bầu Ban Chấp Hành chính thức, điều hành chung Giáo lý viên và Huynh trưởng, nhiệm kỳ 2004-2006 gồm:
+   Liên Đoàn Trưởng: Anh Fx. Trần Ngọc Lợi
+   Liên Đoàn Phó Điều Hành: a. FX. Mai Tấn Phúc
+   Liên ĐP Nghiên Huấn: a. Giuse Nguyễn Chánh Hoàng
+   Tổng Thư Ký: chị Annê Nghê Thị Tuyết Trang
+   Tổng Thủ Quỹ: chị Anna Nguyễn Thu Lãnh

Liên Đoàn Andre Phú Yên có Văn Phòng Liên Lạc là văn phòng Ban Mục Vụ Thiếu Nhi tại Toà Tổng Giám Mục Giáo Phận Tp Hồ Chí Minh, 180 Nguyễn Đình Chiểu, Q3. Điện thoại: 9303569.

–    Ngày 24.5.2005, Đức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn đã ban hành Bản Chỉ Dẫn Các Sinh Hoạt của Giới Thiếu Nhi Công Giáo. Theo đó:
+   Nhằm đạt hiệu quả tối đa trong việc giáo dục thiếu nhi, Giới thiếu nhi áp dụng hai Phương Pháp Giáo Dục Tự Nhiên và Siêu Nhiên của PT TNTT (Điều 3)
+   Ban Mục Vụ Thiếu nhi có nhiệm vụ hỗ trợ các Giáo xứ, Giáo hạt, Giáo phận trong việc huấn luyện huynh trưởng TNTT và Giáo Lý Viên (Điều 5d)

IV.  THIẾU NHI THÁNH THỂ VIỆT NAM TẠI CÁC GIÁO PHẬN
Cho đến nay Phong Trào Thiếu Nhi Thánh Thể đang được hồi sinh và phát triển tại các Giáo Phận Hà Nội, Huế, Xuân Lộc, Nha Trang, Thái Bình, Hải Phòng, Mỹ Tho, Cần Thơ… Hy vọng một ngày không xa, khi các Liên Đoàn của các Giáo Phận được tổ chức chặt chẽ, sẽ có cuộc họp mặt Huynh Trưởng Thiếu Nhi Thánh Thể Việt Nam toàn quốc.

V. THIẾU NHI THÁNH THỂ VIỆT NAM Ở HẢI NGOẠI
Năm 1975, Lịch sử Việt Nam lật sang một trang mới, theo chân những người di tản, hàng trăm ngàn người Công Giáo Việt Nam có mặt khắp nơi trên thế giới, trong đó có các huynh Trưởng TNTT Việt nam. Họ cũng đã gầy dựng phong trào TNTT tại các trại tỵ nạn và đang phát triển mạnh mẽ tại các quốc gia như Mỹ, úc, Anh, Canada, Pháp v.v…vẫn giữ danh xưng Thiếu Nhi Thánh Thể Việt Nam tại …….
Từ ngày 1 đến ngày 4 tháng 7 năm 2004 Đại hội huynh Trưởng TNTT Việt Nam lần VI với chủ đề: “Thánh Thể là hy vọng và là sức sống cho ngàn năm mới”, được tổ chức tại Đại Học Chapman, quận Cam, tiểu bang California, Hoa kỳ. Mừng kỷ niệm 75 năm (1929-2004) thành lập PHONG TRÀO THIẾU NHI THÁNH THỂ VIỆT NAM, Hơn 1000 tuyên úy và Huynh trưởng từ khắp nơi trên thế giới qui tụ về Hoa Kỳ. Phái đoàn đại diện Việt Nam có 9 người: 4 linh mục Tuyên úy Gp. Tp. HCM và 5 Huynh trưởng (4 của giáo phận Tp. HCM, 1 của giáo phận Đà Lạt). Trong dịp này, Đại hội cũng vui mừng chào đón Đức Tân Giám mục Hoa Kỳ là người Việt Nam: Đức Cha Giuse Mai Thanh Lương.

B. Tìm hiểu Phong Trào Thiếu Nhi Thánh Thể
Phong trào Thiếu nhi Thánh Thể là một đoàn thể Công Giáo tiến hành  nhằm hai mục đích:
– Đào tạo thanh thiếu nhi về hai phương diện tự nhiên và siêu nhiên để họ trở thành những con người kiện toàn và Kitô hữu hoàn hảo.
– Đoàn thể hoá và hướng dẫn thanh thiếu nhi truyền thông Tin Mừng và góp phần xây dựng xã hội tốt đẹp.
Nhằm đạt tới kết quả tối đa trong việc giáo dục đoàn sinh, Phong trào Thiếu nhi Thánh Thể dùng hai phương pháp : Tự nhiên và siêu nhiên để huấn luyện.

I. Phương pháp siêu nhiên.
Là phương pháp vượt khỏi tầm mức tự nhiên có tính cách đạo đức tôn giáo và dựa trên nền tảng sau:

1/ Với phép Thánh Thể
Lấy Chúa Giêsu Thánh Thể làm Lý tưởng và nguồn sống để hoạt động.

a. Giờ Thánh Thể:
Năng đến viếng Chúa nơi nhà Chầu, cầu nguyện và tâm sự với Chúa, dọn lòng trong sạch đón rước Chúa, trở nên một với Chúa, luôn thực thi bác ái hy sinh và chu toàn bổn phận.

b. Sống ngày Thánh Thể:
– Khi bừng sáng dậy ngay và sốt sáng dâng ngày sống cho Chúa, tham dự Thánh Lễ (nếu có thể) và sống tinh thần tận hiến như Chúa Giêsu.
– Dưới ánh sáng mặt trời luôn sống đẹp lòng Chúa bằng gia tăng làm việc đạo đức, bác ái, giúp đỡ tha nhân, năng kết hợp với Chúa bằng việc rước lễ thiêng liêng, dâng tất cả hy sinh trong đời sống lên Chúa.
– Khi màn đêm buông xuống, đọc kinh tối, thành thực biên kho, kiểm điểm ngày sống xin Chúa gìn giữ chúng ta ngủ bình an và trong sạch.

2/ Với Thánh Kinh
Là Lời của Chúa, là của ăn thiêng liêng nuôi sống linh hồn ta.
a. Lãnh nhận Lời Chúa: Đọc một đoạn Kinh thánh với lòng tin kính và yêu mến, sau đó rút ra điểm  áp dụng cho cuộc sống.
b. Học hỏi Kinh thánh, Trong các buổi họp dưới hình thực hội thảo hay suy niệm.
c. Dùng KinhThánh như khung cảnh giáo dục đoàn viên:
– Chúa Giêsu thơ ấu cho Ấu nhi
– Chúa Giêsu ẩn dật cho Thiếu nhi
– Chúa Giêsu hoạt động và rao giảng Tin mừng cho Thiếu nhiên

d. Tạo bầu khí Thánh Kinh cho những sinh hoạt phong trào.
e. Dùng Thánh Kinh như yếu tố kết hợp và thăng tiến hoá phương pháp tự nhiên.

II. Phương pháp tự nhiên.
Là phương pháp dùng những phương thức hoạt động tự nhiên của con người và những khung cảnh thiên nhiên thuận lợi để giáo dục đoàn sinh.
Phương pháp tự nhiên dựa trên những hoạt động sau:
– Phương pháp hàng đội tự trị
– Chương trình thăng tiến đoàn sinh
– Vào sa mạc: dùng thiên nhiên để giáo dục đoàn sinh
– Hội họp để học tập và sinh hoạt phongh trào.
– Chiến dịch: giúp đoàn sinh cố gắng thi đua…
Vì thế, Muốn trở nên Thiếu nhi Thánh Thể chính thức của Chúa Giêsu, các em phải học các bài học và hãy cố gắng sống theo những điều các em đã học để yêu Chúa và làm tông đồ cho Chúa. Đồng thời phải thành thạo và làm đầy đủ các việc lành trong Kho Thiêng Liêng, Chầu Thánh Thể thứ năm đầu tháng, học giáo lý cũng như sinh hoạt đầy đủ.
Chúc các em học tập tiến bộ, thi đua tài đức để phục vụ Chúa và phục vụ anh em.
Chúc các em trở nên Thiếu nhi Thánh Thể gương mẫu. là mầm non, tương lai của Giáo Hội và Tổ quốc.

Xem thêm: Quà tặng cho các em thiếu nhi Thánh Thể tại đây

 

 

 

 


Bình luận


Tin tức khác
» Những biểu tượng của Chúa Thánh Thần
» Dấu Thánh Giá là gì? Ý nghĩa việc làm Dấu Thánh Giá?
» Làm sao để trở thành một người theo đạo Công Giáo?
» Để tham dự Thánh Lễ sốt sắng hơn
» Làm sao tu? Tu làm sao?
» Cha mẹ Công Giáo dạy trẻ sống theo gương sáng Đức Mẹ Maria
» Làm thế nào để giúp con gần gũi hơn với Chúa
» Những cách để dạy con trẻ yêu mến Đức Mẹ Maria
» Có nên ép trẻ em đi lễ không?
» Làm thế nào để giáo dục Đức Tin cho trẻ em

Hotline (24/7)

Messages

Chat Zalo

Liên hệ